Đạo - Cốt Lõi của Đạo

TRANH THẦY PHÁP- HẠNH-THU-37.JPG

Đạo - Cốt Lõi của Đạo có hai phần. Phần một là Bản chất Sự thật của Không Tánh, tức là Chân Không. Phần hai là Bản chất Không Tánh trong cuộc sống, gọi là Chân Không Diệu Hữu. Chân Không là sự chân thật hay bản chất thật của Không Tánh, thuộc về trừu tượng cho nên thuộc về vô ngôn. Nhưng trừu tượng này có thể biến trở thành hiện thực qua cuộc sống, nên gọi là Diệu Hữu. Vì vậy, tạm gọi Chân Không là Lý, Diệu Hữu là Sự. Đạo tức là viên dung giữa Lý và Sự. Cho nên gọi là Lý - Sự viên dung.

Khi nói “Tôi rất yêu mẹ” thì tình yêu mẹ là trừu tượng, không có gì đo đếm hết cả. Đó là Lý. Đến khi mẹ bệnh, nấu cho mẹ một miếng cháo và chăm sóc mẹ, thì đó là Sự. Như vậy, gọi là Lý và Sự viên dung. Sự yêu thương này được thể hiện qua hành động. Còn yêu thương mà nằm trong trái tim thì ai mà biết được. Nếu không có Diệu Hữu hay Sự, thì không ai có thể biết được thế nào là sự yêu thương. Vì vậy, yêu thương chính là vô ngôn. Nhưng để mà trở thành hữu ngôn, cuộc sống hay Sự thì phải chăm sóc mẹ khi mẹ tuổi già, sức yếu và gánh vác đỡ đần cho em khi mà mẹ không thể đỡ đần cho em được. Nấu cho mẹ một nồi cháo, gánh cho mẹ một ít nước, giặt cho mẹ bộ áo quần, đó là Sự để nói đến tình yêu thương. Còn nói yêu thương, ai biết yêu thương là gì trong khi nó thuộc về trừu tượng. Như vậy, trừu tượng với hiện thực là một. Giống như Chân Không với Diệu Hữu là một. Giống như sóng với nước là một. Bất nhị, tức là không hai.

Như vậy, thấy Sự để biết Lý. Nhìn qua Sự để biết tâm thức người đó thấu đạt Lý chưa. Vì Lý là vô ngôn mà Sự là hữu dụng. Như vậy, không cần nói nhiều về Lý, mà thực hành về Sự. Cũng giống như khi nói “con rất có hiếu với bố mẹ”. Đừng nói như vậy vì nói như vậy nó trở thành miệng lưỡi. Không nói như vậy, nhưng khi bố mẹ nằm xuống thì chăm sóc bố mẹ tận tình, không kể lể, không phiền hà. Đó là Sự của hiếu thảo. Đã hiếu thảo thì không cần nói. Vì nó là vô ngôn và nằm trong trái tim thì cần chi phải nói ra.

Tương tự như vậy, Đạo chính là cái vô ngôn, không lời. Và thị hiện Đạo này trong cuộc sống là bằng không tham, không sân, không si. Nên Đức Phật ngài nói rằng “nơi nào chấm dứt tham, sân, si, nơi đó là Niết Bàn.” Đó chính là Sự. Còn Lý là Tánh Không, Vô Ngã, Vô Ngại, Vô Nhiễm, Sunyata, Nibbana, Anatta. Vì vậy, trong cuộc sống này chỉ có hai điều. Mà điều quan trọng nhất vẫn là cuộc sống, để thị hiện cái vô ngôn bằng hữu dụng. Chứ không phải vô ngôn là nói quá nhiều, mà hữu dụng thì không có gì cả. Im lặng như sấm sét. Im lặng bằng trái tim yêu thương. Bằng sự cảm nhận tinh tế của sự minh triết mà không nói gì hết cả. Im lặng để giúp đỡ mọi người trong sự im lặng. Im lặng để giúp đỡ thế gian này. Bởi vì thế gian và tâm thức thế gian này ồn ào nên chỉ cần một tâm thức im lặng đã là giúp đỡ thế gian quá nhiều.

Thế gian là ai, là gì? Tạm gọi trong gia đình mình là một thế gian thu nhỏ. Người bố im lặng, lặng lẽ quan sát, chăm sóc vợ con bằng tất cả sự yêu thương mà không cần nói nhiều về nó, chỉ thể hiện bằng hành động thôi. Điều đó sẽ làm cho gia đình hạnh phúc, bình an. Không cần nói nhiều, không cần kể lể công lao của mình nuôi vợ, nuôi con, nuôi cha, nuôi mẹ gì cả. Cứ âm thầm làm. Đó là tính Diệu Hữu của nó. Còn sự minh triết của tâm trí, không ai chạm mình được. Chỉ có hữu dụng mới chạm mình được thôi.

Như khi đứa học trò bị bệnh, người thầy nói “thầy vô cùng yêu thương con, thầy sẽ sống chết với con”. Không cần nói chuyện đó, mà làm sao tìm cách chữa bệnh cho trò bằng tất cả mọi khả năng mình đang có mà không làm học trò bức xúc, tổn thương. Đó chính là sự minh triết trong hành động. Chứ không phải là nói quá nhiều mà không làm gì cả.

Như vậy, cốt lõi của Đạo vẫn là cuộc sống. Lý của Đạo là Chân Không. Sự của Đạo là Diệu Hữu. Chân Không và Diệu Hữu viên mãn, đó là tính của Đạo. Tất cả các pháp môn lên đường để tìm về nguồn gốc của Đạo. Nhưng người ta quên rằng khi đi tìm về nguồn gốc của Đạo người ta đấu đá nhau quá nhiều để tồn tại. Bản chân Diệu Hữu là Đạo. Không hơn - không thua, không được - không mất, không trước - không sau, không trên - không dưới. Đó là bản chất của Chân Không. Nhưng mà tất cả các tông phái trên đường đi tìm thì dẫm đạp lên nhau để tìm Cái-Không-Có gì. Tìm đến Cái-Không-Có gì mà dẫm đạp lên nhau. Ngược lại, nếu trường hợp có Đạo ngay trong cuộc sống thì không cần dẫm đạp lên nhau và cũng chẳng đi tìm cái gì. Ngay đó chính là Đạo. Vì Đạo Không trên - không dưới, Không trong - Không ngoài, Không trước - Không sau, Không tìm kiếm, Không mong muốn. Đó chính là bản chất của Đạo và Đạo chính là cuộc sống, là Diệu Hữu.

Cho nên Siêu thực với Hiện thực là một. Siêu thực là thế giới siêu nhiên. Hiện thực là dùng thế giới Siêu nhiên này trong cuộc sống. Chân Không là Lý của Tánh Không tuyệt đối. Diệu Hữu là thị hiện Lý của Tánh Không ở trong cuộc sống. Vì vậy, Lý và Sự viên dung. Đó chính là cốt lõi của Đạo. Đạo không cần đi tìm. Ngay tại đó! Đạo không có cao - thấp. Ngay tại đó! Đạo không cần nói về. Ngay tại đó, vô ngôn chính là Đạo. …, Sunyata là Đạo, Annata là Đạo. Sự vận hành của tất cả quy luật này, chỉ ngắm nhìn mà không gọi tên, đó chính là Đạo. Dukkha (Bất toại nguyện) là Đạo. Anicca (Vô thường) là Đạo.

Và sự vận hành của vạn vật là Diệu Hữu. Diệu Hữu là sự vận hành của các Pháp hiện hữu trong cuộc sống này - sinh, lão, bệnh, tử. Trong sinh, lão, bệnh, tử này có bản chất của Chân Không, có Tánh Không vi diệu, có Anatta (Vô Ngã). Trong nỗi đau tột cùng này có bản chất của Tánh Không, Vô Ngã. Như vậy, trong nỗi đau tột cùng này cũng là Đạo. Trong sự vận chuyển vô tận của thế gian này cũng là Đạo. Hãy dừng lại mọi toan tính, mọi nghĩ về, mọi bàn luận về “Đạo là gì?”. Cuối cùng, Đạo là bất khả tư nghì. Hãy để cho tâm trí rỗng lặng, yên lặng và không bàn luận đến bất cứ thứ gì, để tất cả mọi thứ đều chảy trôi theo quy luật tự nhiên của nó - Vô Thường, Vô Ngã, Tánh Không, Vô Nhiễm, Quả Báo. Và người ta gọi điều đó một cái tên, đó là: Niết Bàn Như Thị - ngay tại đó là Niết Bàn.

-Trích lời Thầy Pháp Hạnh

Previous
Previous

Quay Lại Đời Sống Bình Thường Mới Sau Đại Dịch

Next
Next

Nền Tảng Của Hạnh Phúc